HÀNG CÂY, NGHĨ VỀ THẦY VÀ NHỮNG BÀI HỌC – TRẦN VĂN THƯƠNG
Lượt xem:
HÀNG CÂY, NGHĨ VỀ THẦY VÀ NHỮNG BÀI HỌC
(Tản văn)
Vào những ngày hè oi nắng của miền Cao Nguyên lộng gió tháng 3 “mùa con ong đi lấy mật” mà được rảo bước dưới hàng cây râm mát ta mới thấy giá trị của “lá phổ xanh”; hoặc cuối đông, khi những cơn gió se lạnh mơn man đôi má hồng thiếu nữ niềm sơn cước, cái se lạnh, “xao xác hơi may” khẽ chạm vào đôi tay, làn môi để ta giật mình gài kĩ hơn khuy áo, mà được bước dưới lá vàng xào xạc, cảm nhận được từng bước đi của thời gian khi cây vào mùa thay lá, lúc đó chỉ có một thán từ được gọi lên “chao ơi, sao mà tuyệt thế”. Điều tôi muốn nhắc ở đây là vườn cây trường Lê Hữu Trác, mà tôi gọi nó một cách điệu đà hơn là “trường cây”, gắn với những kỉ niệm về Thầy, và nghĩ về nghề cùng những bài học!
Trở về quá khứ, cách đây chưa đến 10 năm, khi ấy trường Lê Hữu Trác không có nhiều cây như hiện tại, trước sân trường chỉ có 2 cây ngọc lan tỏa hương thầm lặng, vì nó được trồng từ cây ghép nên không sum suê tỏa mát như ta thường nghe trong ca khúc Hương ngọc lan; gần cổng trường là gốc phượng dù non nhưng bị sâu và rể ăn nổi nên làm hư sân. Cây phượng gắn với tuổi học trò bởi màu đỏ chói như máu trong tim, gắn với mùa chia tay yêu thương và đầy lưu luyến. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, phượng hồng chỉ hợp với khí hậu miền bắc, hợp với những vùng như thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng mà thôi. Tây nguyên, phượng rụng lá vào mùa cần che nắng, lá lại sum suê vào mùa cần thoáng mát. Vậy là, gốc phượng ấy cũng được đốn hạ để nhường chỗ cho một dự án mới. Gần nhà hiệu bộ là 4 cây tùng cao vút lao thẳng ngọn lên bầu trời, gợi lên sự vững chãi tứ trụ trong quan niệm của người phương Đông. Bên nhà đa chức năng có một vườn cây khoảng trên 20 cây xà cừ, trồng rất dày kiểu “gieo mạ mùa chiêm”; đó là công trình thanh niên của Đoàn viên TN năm 2005-2006. Cây xà cừ có nhiều ưu điểm như lớn nhanh, tán rộng, xanh mát ít sâu bệnh, có giá trị về gỗ. Nhưng xà cừ cũng là cây không thích hợp nhiều ở nơi công cộng vì: rễ nổi, phá sân, trái rụng rất nguy hiểm cho con người. Ngoài ra, trong trường còn một vài cây sao, cây hoa sữa nhưng không được trồng theo quy hoạch đẹp mắt.
Năm 2009, người Thày giáo ấy về nhận nhiệm vụ mới tại trường. Điều đầu tiên, ngoài việc kiện toàn lại tổ chức, đưa ra nhiều biện pháp, sáng kiến để nâng cao chất lượng dạy và học thì Thày đã quyết định tạo lại không gian, đặc biệt là quy hoạch lại vườn cây, phù hợp với cảnh quan, lại phải mang giá trị thiết thực cho học sinh, giáo viên học tập và công tác tại mái trường này. Lúc đầu, những cây phượng bị sâu gốc, cây xà cừ 4 năm tuổi bị đốn ngã, ai cũng xót và có không ít ý kiến không đồng tình với quyết định của Thày. Nhưng, với một con người quyết đoán, đã dự tính rất nhiều phương án bổ sung vào kế hoạch của mình. Thày đã không do dự và có nhiều sáng kiến để giờ đây, đi dưới tán cây dầu rái mát mẻ quanh năm không ai nghĩ vườn cây này mới chưa được 10 năm mà người ta nghĩ phải lâu hơn nhiều lần như thế mới có những bóng râm tươi đẹp như vầy. Thày đã quyết định chọn cây dầu rái để trồng trong khuôn viên trường, một quyết định đúng đắn.
Cây Dầu Rái có nguồn gốc xuất xứ từ các nước Đông nam châu Á. Thân chúng loài thuộc nhóm cây thân gỗ lớn, cây có thể cao đến 20-40m, thân tròn thẳng, phân cành cao, đây là đặc điểm mà Thày rất thích. Thày vốn là người đam mê cây cảnh, dù không đạt đến độ nghệ nhân nhưng cũng “tầm tầm bậc trung” trong giới chơi kiểng. Thày bảo, “trong các thế cây được tạo dáng thì dáng TRỰC vẫn là dáng ít lỗi thời, người xưa chọn cau trồng trước nhà để mong muốn ngay thẳng, chính trực; Thày trò mình chọn cây Dầu rái để dạy cho học sinh tư thế ngay thẳng trong bất cứ hoàn cảnh nào”. Vâng, chính trực và phẩm chất mà mọi người luôn hướng tới! Và, Thày nói thêm, “nếu đi rừng đứng từ xa, ngoài những cây cổ thụ khác, thì điều đầu tiên ta thấy đó là ngọn của dầu Rái, nó tựa hồ như thấy cây cau là thấy hồn làng quê Việt. Nếu cây cau là cây đón ánh nắng ban mai sớm nhất trong chốn quê nhà nơi ta có một tuổi thơ nhiều kỉ niệm; thì dầu rái là cây đón ánh nắng đầu tiên trong đại ngàn, điều ấy có nhiều ý nghĩa lắm chứ”! Vỏ cây dầu rái lúc còn non dày, lúc cây lớn vỏ chuyển sang màu xám vàng và mỏng hơn. Lá cây Dầu Rái là loại lá đơn mọc cách hình trái xoan, lá có hình thuôn dài, lá kèm lớn dạng búp màu đỏ nhìn xa tựa hồ như búp sen hoặc búp măng non tùy theo trí tượng tượng của từng người. Mùa dầu rái ra búp, nhìn xa ta ngỡ như ngàn ngọn nến đang chong suốt đêm soạn bài của Thày giáo, cô giáo hoặc đang “dùi mài kinh sử” ứng thí vào trường thi của những cô, cậu học trò đang ôn bài cuối cấp học; hay giống triệu cái nghiên bút chuẩn bị chấm mực để thảo lên những vần thơ lay động hồn người. Đặc biệt nhất là hoa và quả dầu rái. Hoa dầu rái gần như không có cuống, cụm hoa dài, nhị đều dính thành hai hàng, cụm hoa lớn nhiều, quả lớn có hai cánh do đài phát triển, hoa thường nở vào tháng 11-12, quả chín vào khoảng tháng 4, khi chín quả rụng xuống cánh quay theo gió trong rất đẹp, trông xa xa như ngàn chiếc chong chóng đang quay từ từ xuống mặt đất. Nhìn quả dầu rái rơi xuống đất ta có nhiều nghĩ suy cho cuộc đời. Ước gì, khi nghỉ hưu, hay khi ta từ giã cõi đời này trở về với cuộc sống thường nhật, về cát bụi cũng nhẹ nhàng, thanh thản tựa hồ như quả dầu rái về với đất mẹ để bắt đầu cho một cuộc đời mới trên thân phận cây non; một triết lý sống hết mình cho những ngày cần sống và không luyến tiếc cuộc đời khi cần thiết! Dầu Rái là cây ưa sáng, có tốc độ sinh trưởng chậm, thích hợp ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Đây là cây thân gỗ lớn, tán lá rộng nên có thể trồng cây lấy bóng mát ở các công viên, khu bảo tồn, khuôn viên trường học, ngoài ra cây còn được trồng ở hai bên đường phố làm cây xanh đô thị, cây công trình lớn. Dầu rái còn được trồng lấy dầu sử dụng để làm làm bóng gỗ; sạp thuyền cho sò, hến, ốc khỏi bám vào. Ngoài ra với đặc tính của gỗ dầu rái, nó được trồng nhiều để khai thác gỗ dùng trong sản xuất sản phẩm mỹ nghệ.
Nghĩ về việc chọn cây đã khó, nhưng lựa chọn cách trồng và rút ngắn thời gian để có cây che bóng mát sân trường, tạo không gian tốt nhất cho hoạt động dạy và học là bài toán khó cho một người quản lý. Sân trường lúc ấy bê tông hóa, mùa tháng 3 cho đến tháng 5, mùa nắng tây Nguyên kéo dài hơn 12 giờ đồng hồ, trường tọa lạc hướng đông, gió thổi vào từng cơn nóng hừng hực, kèm theo bụi đất từ quảng trường theo gió bay vào. Cái khó là vỏ bọc của thành công, có một nhà hiền triết nào đại ý đã nói như vậy. Và, Thày đã chọn giải pháp, theo chúng tôi là tối ưu nhất trong các giải pháp. Thày cho cắt bê tông diện tích 70cm, đào sâu xuống từ 80 đến 100 cm, đổ phân chuồng, và giống cây là mua cây dầu rái 5 tuổi, bầu rất to, cây đã cao 3m đến 5m. Trồng cây lớn ngoài rút ngắn thời gian thì còn giúp công việc bảo vệ cây dễ hơn. Vì tuổi học trò hiếu động, đi qua cây thường lay một cái, ngắt một lá thì cây khó mọc lên. Trồng cây giống lớn để cây không ăn rễ nổi trên mặt đất. Theo quan sát của tôi, cách này Thày học từ cha ông ngày trước ở quê Thày. Thày quê Yên Thành, Nghệ An, mảnh đất có nhiều truyền thống, đức tính tốt đẹp: cần cù trong lao động, tích cực trong suy nghĩ và việc làm. Phẩm chất ấy được Thày chắt lọc thêm và vận dụng phù hợp trong từng hoàn cảnh. Người xưa quê Nghệ An, khi trồng cau, cây lớn độ khoảng 3 năm, người dân bứng lên, hạ thổ lần 2, mục đích, cây sinh trưởng chậm, đốt cây ngắn, giảm độ cao và rễ sâu để chống gió bão miền trung. Như phép màu, chỉ một năm học trôi qua, 2 mùa hè tới, sân trường đã mát mẻ quanh năm, những cự học sinh mới rời trường 2 năm quay lại đã ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước một TRƯỜNG CÂY.
Từ việc trồng cây của Thày để luận về triết lí giáo dục của nhà trường mà Thày là Hiệu trưởng để ta có những cách giáo dục phù hợp với học sinh. Sinh thời, Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13/9/1958, Bác Hồ căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang”. Và Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng từng căn dặn “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Không cần những lời hoa mỹ, những từ có cánh, chỉ qua hành động ấy cho thấy Triết lý giáo dục của Thày là làm theo lời Bác tròn vẹn mọi điều. Và dạy chữ cũng như trồng cây, phải uốn nắn, chăm chút, chờ trông, không thể “dục tốc” mà có hiệu quả, chỉ nhìn vào việc làm của Thày ta tự hiểu trách nhiệm của mình với nghè, với trò và với chính mình! Nhìn hàng cây tỏa bóng mát sân trường, từng thế hệ học trò lặng lẽ rời mái trường tung cánh ước mơ tới những chân trời mới, có mấy ai nhớ đến hàng cây, gốc sân trường đã tạo bóng mát quanh năm. Có lẽ Thày cũng không cần tri ân nhiều về điều đó, mà chỉ đơn giản là một người quản lý, một người Thày tâm huyết với nghề, đã có những quyết định đúng đắn để góp phần giúp cho các em có một môi trường trong lành, nơi khởi đầu của những ước mơ được thành hiện thực. Cây rồi thành cổ thụ, Thày rồi cũng sẽ già, nhưng còn đó những giá trị trường tồn với năm tháng, với mái trường và những ấp ủ niềm ước mơ mới của thế hệ học trò kế tiếp lớn khôn từ nơi đây.
Đi dưới sân trường rợp bóng cây xanh nghe giai điệu ngọt ngào của những ca từ trong nhạc phẩm “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn tôi càng thấm thía về cuộc đời. Tôi cảm ơn cha mẹ đã sinh ra tôi, cảm ơn cuộc đời đã nuôi tôi khôn lớn, cảm ơn Tổ chức đã cho tôi được về công tác tại huyện nơi tôi trưởng thành và cảm ơn duyên phận đã cho tôi được gặp Thày, một người Thày chân chính, một người quản lý giỏi, biết nhìn xa trông rộng, biết làm việc có ích cho đời sau. “Khi nghĩ về một đời người tôi thường nhớ về rừng cây. Khi nghĩ về rừng cây tôi thường nhớ về nhiều người”…..“và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây, sống gần nhau thân mới thẳng”…. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai. Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành”. Lời bài hát khi nghe đi dưới trường cây mà tác giả đặt ra cũng chính là câu hỏi mà mỗi chúng ta tự hỏi. Hành động tự vấn chính là một ý thức sống. Bài hát này được nhạc sỹ Trần Long Ẩn sáng tác đã lâu. Nhưng cho đến khi tôi đang ngồi viết những dòng cảm xúc về vườn cây Thày đã trồng và suy ngẫm về bài hát, suy ngẫm về những việc Thày đã làm tại trường THPT Lê Hữu Trác; tôi vẫn thấy ý nghĩa của bài hát còn nguyên giá trị. Trong đời sống hiện nay, quả thực chúng ta đang hoang mang về nhân cách sống. Chưa bao giờ, chủ nghĩa cá nhân lại đe dọa đời sống này ở mức báo động như vậy. Ý thức của con người về trách nhiệm của cá nhân mình trước cộng đồng, với mai sau đang ngày càng bị sụp lở như sự sụp lở của những bờ đất con sông trong mùa lũ quét. Con người đang tìm mọi cách thu mình vào vỏ ốc cá nhân, sống gấp, sống vội mà quên đi những lợi ích cộng đồng.
Và nhìn sân trường rợp bóng cây xanh, tôi nhớ về câu danh ngôn “không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình” (Can Juna) càng thấy việc làm và những quyết định của Thày thật ý nghĩa cho nghề dạy học và cho ngôi trường 20 năm tuổi đời. Thày không phải là người đặt viên gạch đầu tiên nơi đây nhưng lại là người biết nuôi dưỡng cho nó trưởng thành. Thời gian trôi đi, tấm huân chương có thể hoen rỉ, tấm bằng khen có thể úa màu, nhưng tôi tin, những gì Thày đã làm cho trường, những hàng cây Thày đã trồng sẽ còn lớn lên, sẽ là cổ thụ, sẽ che bóng cho nhiều lớp học sinh về học tập. Ở Thày tôi học được nhiều bài học có thể chưa đúng và đủ. Đó là: sự trăn trở về nghề, về việc làm để hun đúc ý chí, chứ không phải trăn trở để buông xuôi. Sáng tạo của Thày phải xuất phát từ nhu cầu và đòi hỏi của cuộc sống, hiện tại và để dành cho mai sau chứ không phải sáng tạo chết khô trong ngăn kéo, hộp giấy. Sức mạnh đầu tiên là sức mạnh ý chí, nhưng điều đó chưa đủ mà cần ý chí của những người thông minh và trách nhiệm. Thày mong muốn, thời đại này, thế hệ này đòi hỏi sự khác biệt cả trong tầm tư duy và việc làm cụ thể. Đừng bao giờ thấy khó là đổ lỗi cho hoàn cảnh mà phải biết vượt qua hoàn cảnh. Trắc trở và gian nan có khi phải coi là vận hội, là cơ hội thử thách ý chí con người. Giấc mơ ở Thày không phải là đi tìm mỏ vàng đào lên để bán, không phải chiêm bao để lười biếng trị vì. Giấc mơ xa phải từ đất, từ người; từ những nặng lòng với nghề, với tương lai. Thày cũng là người rất hay dùng lời hoa mỹ nhưng không phải lời trên áng văn mà là trang giấy trên bàn nối dài mong ước ngoài đời. Thày không quan niệm người Thày là người lái đò trên bến vắng mà là người của thời đại, là người dẫn dắt trí tuệ, tâm hồn bằng những hành động cụ thể. Đó là hình ảnh Thày giáo Nguyễn Quốc Khánh, người đã có nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của nhà trường, người đã khơi dậy được lòng trắc ẩn, trách nhiệm của nhiều giáo viên để giúp họ thăng hoa trong những bài giảng; từ đó có những thành tích sánh với sự mong mỏi của học sinh, phụ huynh. Thày đã để lại cho tôi nhiều bài học quý trong cuộc sống và trong những giờ dạy trên lớp. Hàng cây xanh mát nơi đây sẽ mãi luôn nuôi dưỡng niềm tin, ý chí, bài học về nghề cho nhiều đồng nghiệp và học sinh khi nhớ về Thày với những kỉ niệm đẹp một thời quá vãng và những khoảnh khắc của mỗi ngày trôi qua.
Nghĩ vụn đêm mưa nhân 20 năm ngày thành lập trường
Trần Văn Thương